6 công việc phổ biến của ngành Quản trị Kinh doanh

Quản trị Kinh doanh vẫn là một trong những ngành học được đông đảo thí sinh lựa chọn theo học trong các mùa tuyển sinh. Dưới đây là 6 công việc ngành Quản trị Kinh doanh phổ biến mà các bạn trẻ có thể tham khảo để có những lựa chọn nghề nghiệp phù hợp sau khi ra trường.

 

  1. Nhân viên Kinh doanh

Đây là công việc giúp doanh nghiệp duy trì và phát triển những quan hệ kinh doanh hiện có, thiết lập mối quan hệ kinh doanh mới đồng thời đảm bảo mục tiêu bán hàng, mục tiêu cấp trên đề ra. Bên cạnh đó, nhân viên Kinh doanh sẽ là người giải quyết chứng từ hóa đơn, công nợ,… của khách hàng và lập báo cáo hàng tuần, tháng, quý về doanh số, giá sản phẩm đối thủ cạnh tranh.

 

  1. Nhân viên Phân tích Tài chính

Phân tích Tài chính là một công việc đầy thách thức nhưng cũng rất thú vị. Công việc của một người Phân tích Tài chính không chỉ yêu cầu nhân sự tổng hợp và phân tích các thông tin tài chính mà còn đưa ra các dự báo về tình hình kinh tế của doanh nghiệp, tư vấn tài chính và đầu tư cho nhà quản lý, khách hàng. Do đó, công viêc của người Phân tích Tài chính có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển và thành công của cơ quan, doanh nghiệp.

 

  1. Nhân viên quản lý và Phát triển Dự án

Để đảm bảo cho việc tổ chức thành công bất cứ 1 dự án kinh doanh tại doanh nghiệp đều cần có sự góp sức không nhỏ của Nhân viên quản lý và Phát triển Dự án. Không chỉ lập ra kế hoạch tác nghiệp, chương trình hoạt động cụ thể, nhân viên quản lý và Phát triển Dự án còn thiết lập mục tiêu ngắn hạn và dài hạn cho công việc, xác định chiến lược thực hiện để đạt được mục tiêu đồng thời phối hợp với các bộ phận liên quan lên ý tưởng thực hiện dự án.

 

  1. Nhân viên Xuất nhập khẩu

Nhân viên Xuất nhập khẩu là người lập hóa đơn, chứng từ theo các hợp đồng làm chứng từ nhập và xuất hàng hóa, ghi vào sổ theo dõi. Bên cạnh đó, nhân viên Xuất nhập khẩu còn có khả năng soạn thảo các hợp đồng ngoại thương đồng thời theo dõi tiến độ sản xuất hàng hóa theo kế hoạch được ghi tại hợp đồng và liên hệ sát sao với nhà sản xuất và đơn vị dịch vụ để thực hiện vận chuyển hàng hóa.

 

  1. Nhân viên tư vấn

Nhân viên tư vấn sẽ là người hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng thiết lập lại cơ cấu tổ chức hiệu quả. Đây cũng sẽ là người giúp doanh nghiệp phát triển đi lên bằng cách tư vấn để đánh giá lại năng lực của nhân viên, các bộ phận, kiểm soát chi phí đầu vào và đầu ra nhằm tối đa hóa lợi nhuận, giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển.

 

  1. Quản lý bán hàng

Quản lý bán hàng là người không chỉ đưa ra các chương trình truyền thông phù hợp, thu hút được khách hàng mà còn là người đánh giá được nhu cầu của người tiêu dùng và định hướng lựa chọn cho khách hàng. Người Quản lý bán hàng cũng đồng thời sẽ là người giám sát quá trình mua – bán tại các cơ sở kinh doanh, đảm bảo cho mục tiêu đặt ra hoàn thành đúng thời gian và kế hoạch đặt ra.

Bình luận ở “6 công việc phổ biến của ngành Quản trị Kinh doanh

  1. Pingback: 7 bước để CV xin việc “xịn” hơn| Ngành Quản trị Kinh doanh

Đã đóng bình luận