Kiến thức kỹ năng
Công thức quản lý tiền bạc hiệu quả nhất cho sinh viên ngành Quản trị Kinh doanh
Hãy chia thu nhập của bạn vào “6 cái lọ” – Đây là công thức do T. Harv Eker lập ra. Ông là tác giả của cuốn sách bán rất chạy Bí mật tư duy triệu phú (Secret of Millionaire Mind) và Làm giàu nhanh (Speed Wealth).
Theo tác giả cuốn sách Bí mật tư duy triệu phú, kể cả khi bạn nghĩ rằng mình không có quá nhiều tiền để chia nhỏ và quản lý thì bất cứ ai cũng có thể sử dụng phương pháp 6 cái lọ để quản lý tiền bạc. Điều quan trọng là bạn cần phát triển nó thành thói quen để quản lý tài chính, làm chủ tài khoản và cuộc sống của chính bản thân.
Hãy chia thu nhập của bạn vào “6 cái lọ”
- Nhu cầu thiết yếu = 55%
Trước hết, những nhu cầu cá nhân thiết yếu của bạn cần được quan tâm đầu tiên. Quỹ này giúp bạn đảm bảo nhu cầu thiết yếu hằng ngày của cuộc sống: ăn uống, đi lại, các hóa đơn điện nước, quần áo, giải trí,… và các chi phí khác. Hãy đảm bảo rằng những nhu cầu thiết yếu nhất phải được thỏa mãn vì đây là cách giúp bạn tái tạo năng lượng lao động trực tiếp.
- Quỹ dành cho Giáo dục đào tạo = 10%
Hãy dùng quỹ này để phát triển bản thân bằng nhiều cách như tham gia các lớp học kỹ năng mềm, tham dự các hội thảo ý nghĩa, mua sách vở… Bạn nên nhớ, cách đầu tư tốt nhất chính là đầu tư vào học tập. Đây là con đường hữu ích nhất để bạn phát triển bản thân và tìm những niềm vui có ý nghĩa lâu dài.
Lao động chăm chỉ để có được quỹ tự do tài chính vững chắc
- Quỹ tự do tài chính = 10%
Tự do tài chính là khi bạn sống một cuộc sống như bạn mong muốn, làm mọi điều mình ao ước mà không phụ thuộc vào nguồn tài chính vào người khác. Hiện tại ở nhiều nước phương Tây, nhiều người trẻ đã có thể về hưu sớm là nhờ họ được tự do tài chính, chuẩn bị cho mình 1 quỹ tài chính đủ mạnh để theo đuổi mong muốn của mình mà không phải đi làm để kiếm tiền hàng ngày.
- Tiết kiệm dài hạn = 10%
Quỹ này có hai mục đích: Tiết kiệm cho dài hạn và tiết kiệm cho những trường hợp khẩn cấp. Ban đầu, bạn nên chia số tiền 10% tổng thu nhập này thành hai phần bằng nhau cho hai mục đích. Khi đã tiết kiệm đủ cho những trường hợp khẩn cấp (có giá trị tương đương khoảng 6 tháng chi tiêu hàng ngày) thì có thể cất riêng khoản này ra và tập trung cho những mục tiêu lâu dài như mua nhà, mua ôtô, cho con vào đại học.
- Hưởng thụ = 10%
Cho dù làm việc chăm chỉ và cật lực đến cỡ nào thì việc chú ý đến sở thích của bản thân trong từng thời điểm cũng rất nên được chú ý chăm chút. Hãy dùng quỹ “Hưởng thụ” này để chăm sóc bản thân, giúp bạn được hưởng cảm giác của một người “giàu có”: ví dụ ăn những món thật ngon, hưởng những dịch vụ “sang chảnh”, mua những món đồ mình ao ước, đến những nơi bạn từng mơ, đi nghe nhạc hoặc xem phim vào thời gian rỗi….
- Giúp đỡ người khác = 5%
Quỹ này dùng để làm từ thiện, giúp đỡ người thân, bạn bè…, gặp khó khăn như một cách thể hiện lòng biết ơn cuộc sống. Lựa chọn cách sống vì mọi người giúp bạn rộng lượng và bao dung đồng thời có suy nghĩ tích cực hơn về nhiều vấn đề trong cuộc sống.