Kiến thức kỹ năng
Bạn có biết Quản trị và Quản lý là hai khái niệm khác nhau?
Nếu như không nói đến, có lẽ nhiều người vẫn nhầm tưởng “Quản trị” và “Quản lý” là hai khái niệm nhưng diễn đạt cùng một ý nghĩa trong kinh doanh. Tuy nhiên thực thế không phải vậy, có sự khác nhau giữa “Quản trị” và “Quản lý”. Bạn có biết sự khác nhau đó là gì?
Sự khác nhau giữa quản trị và quản lý là gì?
Sự khác nhau giữa Quản trị và Quản lý
Mặc dù có một số công việc tương tự nhau như quản lý, giám sát, theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện,…nhưng Quản trị và Quản lý có sự khác nhau ở một số yếu tố
- Cấp bậc, chức vụ đảm nhiệm: có thể hiểu Quản trị là công việc của những người đứng đầu, thuộc cấp cao nhất trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức. Còn Quản lý là công việc của những người đứng đầu các bộ phận, đơn vị,…trong doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức.
- Về quy mô công việc: tương ứng với chức vụ đảm nhiệm, ta có thể thấy, Quản trị là những công việc ở tầm vĩ mô thuộc về chiến lược phát triển của cả một doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức nói chung. Bên cạnh đó, Quản lý là những công việc ở quy mô nhỏ hơn với từng bộ phận trong doanh nghiệp.
- Chức năng, nhiệm vụ: đây có lẽ là yếu tố phân biệt rõ nhất giữa Quản trị và Quản lý.
- Quản trị: Thành lập các mục tiêu, chính sách quan trọng của cơ quan, tổ chức, quyết định về nhân lực, tài chính, đường đi nước bước cho cả doanh nghiệp. Hay nói cách khác, quản trị là người đưa ra những quyết định chiến lược cho toàn bộ doanh nghiệp từ thời gian, địa điểm thực hiện, nhân sự thực hiện,…nhằm đạt được những mục tiêu chung đã đặt ra cho doanh nghiệp. Chức năng, nhiệm vụ của người quản trị thiên về yếu tố tầm nhìn, các khía cạnh kinh doanh.
- Quản lý: Thực hiện các công việc nhằm thúc đẩy cũng như giám sát các hoạt động, đảm bảo thi hành đúng lộ trình, kế hoạch mà người quản trị đã đề ra. Vì thế, các nhà quản lý thường thiên về khả năng quản lý kỹ thuật, quản lý mối quan hệ giữa con người.
Mối quan hệ mật thiết giữa Quản trị và Quản lý
Dù ở hai khía cạnh công việc khác nhau nhưng, người quản trị và quản lý có mối quan hệ mật thiết với nhau. Để chiến lược, kế hoạch của người quản trị được thực hiện đúng cách và đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra cần phải có những người quản lý giỏi giúp kết nối, điều phối các nhân tố từ nhân sự, cho đến kỹ thuật đồng thời giám sát kết quả thực hiện một cách sát sao nhất. Bên cạnh đó, công việc của người quản lý diễn ra suôn sẻ và thuận lợi rất cần chiến lược, tầm nhìn đúng đắn của nhà quản trị. Cả hai vị trí đều có những vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Không thể phủ nhận, ngày nay vai trò của quản trị ngày càng lớn trong hầu hết các hoạt động kinh tế xã hội nhưng không vì thế mà vai trò của người quản lý không được coi trọng. Cả hai đều tương hỗ lẫn nhau vì mục tiêu chung của doanh nghiệp.
Với những kiến thức cơ bản về các chức năng Quản trị và Quản lý, mỗi người có thể đưa ra những mục tiêu, nhiệm vụ đúng đắn cho bản thân trong hướng phấn đấu của chính mình trên bước đường kinh doanh với mục tiêu là những vị trí quan trọng trong một doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức. Để từ đó, dù ở vị trí nào, mỗi người đều hoàn thành tốt nhất chức năng, nhiệm vụ của mình.